Tìm kiếm tin tức
Lịch sử xã
Ngày cập nhật 03/11/2015
Đình làng Thế Chế Chí Tây

 Xã Điền Hoà là một xã thuộc vùng đồng bằng, có diện tích tự nhiên: 1.376,34 ha, số hộ 1.079 hộ, với dân số 5.315 người

LỊCH SỬ XÃ ĐIỀN HÒA

PHẦN MỞ ĐẦU

 Xã Điền Hòa thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, có chiều dài 4km, chiều rộng 3,8 km. Phía Đông Bắc giáp biển đông, phía Đông Nam giáp Biển đông, phái tây giáp xã Phong Chương, Phía bắc giáp xã Điền Lộc, phía nam giáp xã Điền Hải. Xã Điền Hoà là một xã thuộc vùng đồng bằng, có diện tích tự nhiên: 1.376,34 ha, số hộ 1079 hộ, với dân số 5315 người, có đường Quốc lộ 49B đi qua trên địa bàn, cho nên giao thông được thuận tiện, giao lưu mua bán hàng hóa với nhiều địa phương. Nhìn chung địa hình cũng khá thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng, đầu tư các dịch vụ, phát triển khu dân cư cũng như sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.

Trải qua hơn 400 năm, từ khi lập làng đến nay, cùng với nhân dân toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhân dân xã Điền Hòa đã cần cù, chịu khó, một nắng hai sương làm ruộng, chăn nuôi…xây dựng làng quê, chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương đất nước. Người dân ở đây trong mọi hoàn cảnh, luôn luôn đoàn kết, lạc quan, sống đầm ấm. Từ ngày có Đảng, nhân dân xã nhà một lòng, một dạ theo Đảng chống lại áp bức cường quyền, chống thực dân phong kiến.  

 Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và  đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975) toàn xã đã anh dũng bám trụ, cung cấp sức người, sức của, dũng cảm hy sinh, góp phần cùng nhân dân Tỉnh nhà giải phóng quê hương, giành độc lập tự do. Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân xã Điền Hòa bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Đời sống vật chất lẫn tình thần của xã nhà ngày càng được nâng cao, những thành tựu kinh tế, văn hóa, giáo dục..ngày càng phát triển xứng đáng là xã Anh hùng. Trang sử của xã Điền Hòa rất hào hùng, oanh liệt.

CHƯƠNG I

ĐIỀN HÒA TỪ NGUỒN GỐC ĐẾN 1858

I. Qua trình hình thành làng xã.

Trong buổi bình minh của thời đại đồ đá mới cách đây trên 6.000 đến 8.000 năm, người Việt cổ đã xác định sự có mặt của mình trên dãy đất phía Nam dãy Trường sơn, chứng tích được thừa nhận là nền Văn hóa Bắc sơn. Bước sang nền văn hóa Bàu Tro, những bộ lạc sống trên đất Thừa Thiên Huế đã trở thành cư dân nông nghiệp sơ khai. Đến thời văn hóa Đông sơn, khi công cụ bằng kim loại đã phát triển, những người nông dân nguyên thủy ấy cũng bước vào thời kỳ văn minh, thời kỳ Hùng Vương. Từ đó, cư dân Điền Hòa đã tồn tại với tư cách là một bộ phận của bộ Việt thường thị, toạ lạc phía Nam của nước Văn Lang ngày xưa.Trong thời kỳ Bắc thuộc, các thế lực Phong kiến Trung Quốc: từ Hán, Lương, Tùy, Đường….đã xâm lược và đặc ách đô hộ lên đất nước ta. Điền Hòa trở thành lãnh thổ của bọn xâm lược.Từ cuối thế kỷ thứ II khi nhà Đông Hán suy sụp, Nhân dân Quận Nhật Nam đã giành độc lập, thành lập nước Lâm Ấp, đến thời kỳ thứ IV có sự hợp nhất của 2 tiểu Quốc người Chăm, nước Chămpa ra đời. Từ đó, đất Thừa Thiên và Điền Hòa nói riềng đã trở thành lãnh thổ của Lâm Ấp, rồi Chămpa, mà chứng tích còn lại là dấu vết hoa văn Chàm còn đậm nét còn lưu lại trên cát phù điêu, lăng mộ, bia ký của cộng đồng cư dân.Trong thời kỳ vương Quốc Chămpa cai quản, Điền Hòa và vùng đất phía Nam Hoành sơn là vùng tranh chấp giữa 2 thế lực Chămpa với bọn thống trị Phong kiến Trung Quốc. Nhân dân Điền Hòa dưới thời Chămpa đã không ngừng cùng nhân dân Giao Chỉ, Cữu Chân, tấn công dinh lũy của bọn đô hộ.Từ thế kỷ XIV, khi quan hệ Việt – Chiêm đang tốt đẹp, giữa hai quốc gia có mối giao Hảo, dẫn đến việc kết hôn giữa vua Chăm là Chế Mân với công chúa Huyền Trân của nhà Trần. Hai vùng đất châu Ô, châu Lý được dùng làm sính lễ. Năm 1306, lãnh thổ nước Đại Việt chính thức kéo dài đến Thừa Thiên Huế. Đất Điền Hòa thuộc chây Lý của Chămpa củng trở về với Đại Việt. Vua Trần cho đối 2 châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hóa (năm 1307). Điền Hòa thuộc châu Thuận, cuối đời Trần, 2 châu Thuận và châu Hóa nhập lại lấy tên là Châu Thuận Hóa.Từ sau sự kiện lịch sử này, những lớp người Việt đầu tiên dưới nhiều lý do khác nhau, dần dần di cư vào Thuận Hóa để sinh sống. Tuy nhiên, thời kỳ này vẫn là những nhóm người ít ỏi, chưa ổn định, họ sống cộng cư với nhân dân Chămpa bản địa. Do quan hệ Việt – Chăm ngày càng căn thẳng, Thuận Hóa lúc này là vùng biên biển, thường xuyên xảy ra chiến sự, cư dân sơ tán, Điền Hòa trở lại thời kỳ hoang vắng. Đến thời Hậu Lê, sau khi dành lại độc lập, các vua Lê đã mở rộng biên cương, địa giới về phía Nam, một lượng dân cư bao gồm lính tráng, quan chức và kể cả tù nhân bị lưu đày đã đến định cư khai thác vùng đất này và trở thành dân bản địa ở đây. Qua một số chứng cứ được ghi trong thư tịch cổ, có thể nói vào thời Hậu Lê, ở Thuận Hóa, trong đó có Điền Hòa, làng xã dần dần được hình thành.Tháng 10 năm 1558 chúa Nguyễn Hoàng được vào trấn thủ Thuận Hóa. Trong ý đồ xây dựng một lực lượng, căn cứ ở đằng trong để đối đầu với họ Trịnh ở đằng ngoài, thì từng đoàn người bao gồm họ hàng quê hương, binh lính, vùng huyện Tống sơn Thanh Hóa và các vùng khác ở miền Bắc đã di cư vào Nam theo chân chúa Nguyễn Hoàng ngày càng đông, để mở man vùng đất Biên Thùy, sinh cơ lập nghiệp. Tuy thời gian xê dịch sớm muộn khác nhau, hầu hết các Tộc họ, chi phái ở Điền Hòa đều có nguồn gốc từ những lớp người theo chúa Nguyễn vào sinh sống ở Thuận Hóa. Công cuộc khai hoang lập Ấp thời các chúa Nguyễn được đẩy mạnh làng xã Điền Hòa thời kỳ này được ổn định và phát triển.Những cứ liệu còn lưu lại trên gia phả của các họ đang sống ở Điền Hòa cho phép chúng ta khẳng định điều đó.Như vậy tính đến nay hơn 4.000 năm các ngài thủy tổ các họ trên đất Điền Hòa do mưu kế sinh nhai, không cam chịu khổ cực hà khắc dưới chính quyền vua Lê, chúa Trịnh ở đăng ngoài, nạn đói thường xuyên đe dọa…..đã dắt díu nhau vượt biển đi tìm miền đất mới. Các ngài đã định cư ở đây cùng khai hoang lập ấp xây dựng cuộc sống. Ban đầu rất gian nan vất vả, ruộng đất canh tác ít, lại ngập mặn, các ngài vừa làm nghề biển đánh cá, vừa khai phá ruộng vườn để biến vùng đất hoang hóa thành một vùng đất giàu có, trù phú như ngày nay. Hai câu đối ở hiên  của đình làng Thế Chí Tây đã phản ánh quá trình đó: “ Lịch triều Lê di lai thế đại hoằng khai hoàn vũ trụ. Tự Gia Long di hầu đinh điền dinh kiến tổng văn minh”. Đã nói lên quá trình đoàn kết dân làng từ khi khai thiên lập địa ( thời nhà Lê ) đến khi đất đai được mở rộng, dân cư đông đúc, văn minh khoáng đạt ( Thời Gia Long ) Ghi nhớ công lao các vị Tiền hiền đã có công khai phá đất đai xây dựng làng xã, các ngài thủy tổ, các họ đều được triều đình nhà Nguyễn sắc phong và được dân làng tôn thờ là những bậc khai canh, khai khẩn ra làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa  ngày hôm nay. Làng Thế Chí hồi bấy giờ được phân thành hai giáp: Thế Chí Tây giáp và Thế Chí Đông giáp. Thế Chí Tây giáp dần dần phát triển thành làng Thế Chí Tây xã Điền Hòa ngày nay. Điều này đúng với lôgic của sự phát triển làng xã. Lúc mới khai hoang lập làng do nhân lực còn ít nên các ngài khai canh chủ yếu khi phá những vùng đất tốt dọc đường hương lộ ngày nay nơi đất đai phì nhiêu. Do hạn chế và về khắc phục những cánh đồng ngập mặn, cư dân Điền Hòa lúc bấy giờ tập trung khai phá ở những vùng đất tương đối cao, mà nhân dân gọi là trằm.Càng về sau địa bàn địa bàn cư trú và sản xuất ngày càng được mở rộng và cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đời sống vật chất ngày càng ổn định, đời sống tinh thần ngày càng phong phú. Để phục vụ cho việc trao đổi hàng hóa của dân lang từ nhu cầu ấy chợ làng Thế Chí Tây được hình thành và phát triển.

II. Tình hình kinh tế xã hội và nhân văn:

- Về đời sống kinh tế: Cư dân Điền Hòa được thừa hưởng nhiều lợi thế do thiên nhiên ưu đãi. Trước hết là dãy cát phía sau làng Thế Chí Tây đã tạo nên một hệ thống đê đập tự nhiên, nó vừa có tác dụng môi trường, vừa ngăn nước tràn vào làng xóm gây tổn thất về sức người, sức của vào mùa mưa bảo. Mặt khác đây củng là mặt quan trọng, nó góp phần tích cực trong việc dự trữ nguồn nước ngọt dưới long đất, để từ đó khai thong cung cấp cho đồng ruộng củng như cho đời sống sinh hoạt hằng ngày của cư dân. Có thể nói sản xuất nông nghiệp ở đây giảm bớt sự tốn kém về vật tư, củng như công sức lao động một phần khá lớn là nhờ vào sự dự trữ của nguồn nước ngọt nói trên. Bên cạnh đó, cư dân 2 thôn Thế Mỹ A và B mặc dù sống bằng nghề biển, nhưng dãy đất ven biển này củng đã cung cấp một nguồn lương thực khá quan trọng để dự trữ trong mùa mưa bảo đó là khoai lang.

- Về ruộng đất: ở Điền Hòa chủ yếu là ruộng đất công làng, xã, ngay từ thời khai hoang lập hóa các Ngài đầu các họ khi vào đây do điều kiện khó khăn ban đầu, đã cố kết với nhau để biến vùng đất hoang hóa thành đất ruộng. Ngay từ đầu số ruộng đất đó là ruộng đất công làng xã, dần dần theo quy luật phát triển, ruộng đất tư đã hình thành, đến năm 1669, dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Tần, đã cho đo đạc tất cả ruộng đất thực canh và làm cho ruộng công, từ đó nếu ai khai khẩn thêm mới cho làm “ bản bức từ điển”, điều này tạo điều kiện cho ruộng đất tự phát triển. Nhưng ở Điền Hòa diện tích bỏ hoang không còn nhiều, chủ yếu là vùng ven phá Tam Giang. Có thể nói nữa đầu thế kỷ XIX, ở Điền Hòa ruộng đất công chiếm ưu thế trên 80% tổng diện tích canh tác của xã. Số ruộng đất công do làng xã quản lý và phân chia cho dân làng cày cấy và nộp thuế. Việc chia ruộng công làng xã theo thể lệ “ Quân cấp lệ” được ban hành dưới thời vua Gia Long ( 1804), cứ 3 năm chia lại một lần “ Tam niên quân cấp nhất thứ” gọi là “quân cấp” nhưng ruộng đất được chia theo vị trí xã hội của cư dân trong làng. Quan viên chức sắc trong làng được nhận ruộng trước và chọn ruộng tốt “quan ăn thước, dân ăn sào” hoặc “ quan ăn sáng, dân ăn chiều”, lão hàng trên 60 tuổi củng được nhận 1 sào ruộng, số ruộng còn lại đem chia cho đinh nam từ 18 tuổi trở lên, một bộ phận ruộng đất được dành cấp cho binh lính bao gồm Thanh binh, Cấm binh, và Tinh binh gọi là Lương điền. Số ruộng đất còn lại chia thành nhiều loại: ruộng chuẩn ngũ, hương đăng điền, hương hỏa điền, bút điền…ruộng họ, ruộng dân…..thường những loại đất này thuộc loại “nhất đẳng điền”. Một số ruộng đất trên đây, viên chức làng xã phân chia thành từng lô rồi bán đấu giá, ai cao thì được. Trên nguyên tắc ai củng có quyền tham gia, nhưng thực chất chỉ là hình thức hợp thức hóa việc bao chiếm ruộng đất của giai cấp cường hào, phú nông và nhà giàu, còn dân nghèo thì mấy ai có tiền để đấu.

- Về đời sống tinh thần: Mặc dù cuộc sống còn chật vật khó khăn nhưng người dân Điền Hòa luôn toát lên lối sống lạc quan, vui vẻ lao động sản xuất để xây dựng quê hương:“ Phú nhi vô kiêu dị, bần nhi vô oán nan”. Đó là truyền thống tốt đẹp của tầng lớp cha ông trong buổi đầu lập nghiệp anh hùng. Người dân Điền Hòa luôn ý thức sùng kính tổ tiên, ông bà, người có công khai thiên phá thạch, được thể hiện rất rõ qua thực tế địa phương. Trải qua thời kỳ lịch sử lâu dài, chiến tranh và thiên tai xảy ra liên miên, có thời kỳ rất ác liệt, làng mạc bị đốt phá, nhà thờ, đình làng, miếu mạo bị hủy hoại, nhưng hầu hết các họ đều giữ được bản gia phả của mình, có bản giữ gần 2 thế kỷ, có bản tu lại nhiều lần và giữ gìn cẩn thận. Các nhà thờ họ được trùng tu sau khi bị tàn phá, hiện nay ở làng Thế Chí Tây có 10 nhà thờ họ, một số đang được thờ tại nhà tộc trưởng. Mặc khác, trong sinh hoạt làng xã, trong hội hè, tế tự, thứ tự trên dưới của các họ được sắp xếp và tôn trọng tinh thần tự nguyện, đúng mực. Hầu như không có hiện tượng tranh giành ngôi thứ. Đình làng Thế Chí Tây được xây dựng nhờ sự đóng góp của dân làng, dùng làm nơi tế lễ 2 lần “ Xuân thu, nhị kỳ”, nhằm tưởng nhớ tiên linh và nhắc nhở sự đoàn kết dân làng.

- Về tín ngưỡng tôn giáo: hầu hết cư dân Điền Hòa đều theo phật giáo, cả xã hiện có 3 Niệm phạt đường ( Thế Chí Tây, Thế Mỹ A và Thế Mỹ B). Trong sinh hoạt văn hóa, người dân Điên Hòa vốn có truyền thống văn minh, hiếu học, mặc dù trước đây việc học hành, thi cử quá khó khăn, cả xã chỉ có một trường tiểu học, lên trung học phải về Thế Chí Đông, hoặc khá hơn thì vào kinh đô Phú Xuân. Nhiều con em Điền Hòa đã đổ đạt cao, một số người đảm nhận một số chức vụ quan trọng trong triều đình: Tham tri thị lang Đại học sỹ thượng lô Tư khang Nguyễn Văn Ứng, Nguyễn Văn Hoành; thượng thư đại học sỹ sung cơ mật đại thần Đặng Phước Hựu, thượng thư Đặng Như Vong, khai sâm trung hộ đại tướng quân nghiêm trấn hoàn vũ Nguyễn Chí Phì, Thái y viện y chánh Nguyễn Văn Luân, hàn lâm viện thi đại học sỹ Nguyễn Công Hân…vv.. phát huy truyền thống đó con em Điền Hòa không ngừng học hành và đỗ đạt.

- Về truyền thống đấu tranh: Quê hương và con người Điền Hòa chứa đựng nhiều truyền thống tốt đẹp: cần cù chịu khó, một nắng hai sương, vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để biến vùng đất ngập mặn trở thành khu dân cư trù phú, ruộng vườn hàng hàng, lớp lớp nhà cửa chen chúc lẫn nhau. Để bảo vệ mãnh đất dày công vung đắp bằng mồ hôi xương máu, các thế hệ con cháu dân làng đã không ngừng đấu tranh chống mọi kẻ thù xâm lược.Ngay từ đầu thế kỷ thứ XIV, khi công chúa Huyền Trân “ Mượn màu son phấn trả nợ Ô Lý”, Điền Hòa cùng với Thừa Thiên Huế trở về với bản đồ Đại Việt. Thời gian ổn định không được bao lâu, đến năm 1360 Chế Bông Nga đã đem quân quấy phá Đại Việt, nhân dân Điền Hòa lại rơi vào nỗi khổ của chiến tranh, nơi đây đã trở thành điểm tranh chấp, quân đội nhà Trần tiếp tục rút quân về Thăng Long. Điền Hòa chứng kiến từng đoàn thuyền Chămpa xuất quân đánh Thăng Long.Đầu thế kỷ XV, giặc minh xâm lược nước ta, Thuận Hóa nói chung, Điền Hòa nói riêng không thoát khỏi cảnh đô hộ, nhân dân Điền Hòa lại lên đường tham gia Nghĩa quân giản định đế Trần Ngỗi và Trùng Quang, đế Trần Quý Khoáng kháng chiến chống Minh.Đầu thế kỷ XVI, khủng hoảng nổ ra trong triều đình nhà Lê, diễn ra sự phân quyền cắt cứ Nam - Bắc triều, Đằng trong, Đằng ngoài, dẫn đến hang loạt cư dân Đằng ngoài đã theo chúa Nguyễn vào Nam. Điền Hòa cùng với Thuận Hóa và cả Đằng trong chứng kiến một cuộc di dân ồ ạt tiến vào miền Nam. Làng xã Điền Hòa ổn định và phát triển, chung sức chung lòng cùng với chúa Nguyễn giữ vững đất Đằng trong, đẩy lùi nhiều đợt thăm dò, tấn công của các thế lực xâm lược từ mặt biển.

CHƯƠNG II.

ĐIỀN HÒA TỪ KHI ĐẤT NƯỚC BỊ THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC

ĐẾN CÁCH MẠNG THÁNG 8 ( 1858 – 1945)

  Ngày 01 tháng 9 năm 1858 thực dân Pháp chính thức nổ súng xâm lược nước ta bắt đầu từ Đà Nẵng. Do triều đình Huế áp dụng một đường lối kháng chiến sai lầm và không tích cực kháng chiến nên đất nước ta  rơi vào tay thực dân pháp, riêng ở Thừa Thiên Huế từ ngày 18 -  20/8/1883.Trong tình hình như vậy, nhân dân cả nước, nhân dân Thừa Thiên Huế và nhân dân xã Điền Hòa, không ai là không bị chính sách thuế khoán, phu phen tạp dịch và chính sách bắt lính của thực dân Pháp dồn vào một cuộc sống cơ cực. Căm thù thực dân Pháp và bọn Phong kiến tay sai năm 1908, nhân dân khắp miền trung, trong đó có nhân dân Thừa Thiên Huế, đã vùng dậy mạnh mẽ, quyết liệt trong phong trào chống đi phu, chống thuế. Trong thời kỳ những năm 30 của thế kỷ XX, Huế là thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng là thủ phủ của xứ Trung kỳ trở thành một trung tâm hoạt động cách mạng rất sôi động, nhất là trong những năm 1936-1939. Trong số những người hoạt động ở Huế trong giai đoạn này có người con đáng kính của nhân dân Điền Hòa là đồng chí Nguyễn Thiện Hoàng, tức Nguyễn Biện, tức Nguyễn Hải Thanh. Với những hoạt động sôi nổi trong cách mạng với tấm long hướng về quần chúng lao khổ, hướng về cách mạng, Nguyễn Hải Thanh bị bọn mật thám theo dõi  và bị bắt, mặc dù vậy đồng chí vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng dưới hình thức mở lớp dạy học để tuyên truyền tư tưởng cách mạng cho lớp thanh niên mới lớn có chút kiến thức tân học như đồng chí Nguyễn sĩ Thông, Nguyễn Đăng Phiên, Văn Đình Triêm, Nguyễn Đình Cự…..là những người sau đó đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương.

Về Phong trào cách mạng ở địa phương, trước hết là phong trào cách mạng trên quy mô tỉnh Thừa Thiêu Huế, trải qua các năm 1940-1941, phong trào bị thực dân Pháp đàng áp, khủng bố rất khốc liệt, hệ thống tổ chức và lãnh đạo của Tỉnh Đảng bộ bị tan vỡ. Nhưng đến đầu năm 1942, khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh vượt nhà lao Buôn Mê Thuột về địa phương hoạt động, thì cơ quan tỉnh ủy được khôi phục, tổ chức Đảng được xây dựng lại, số Đảng viên tăng lên. Riêng ở phía bắc tỉnh đã phát triển từ một chi bộ ghép Phong Quảng trở thành 2 chi bộ riêng: Chi bộ Quảng Điền và Chi bộ Phong Điền.

Về phong trào cách mạng xã Điền Hòa trong thời gian từ đầu những năm 40 cho đến đầu tháng 8 -1945. Dưới ánh sáng của các nghị quyết của Tỉnh ủy, thường vụ tỉnh ủy và Việt Minh tỉnh như đã trình bày ở trên, phong trào cách mạng xã Điền Hòa đã có bước phát triển rất mau lẹ. Sáng tinh mơ ngày 18-8-1945, các đồng chí Nguyễn Tư Chương, Nguyễn Lâm Cư, Nguyễn Hữu Lợi, Văn Công Yêm…tập trung ở nhà Cữu Bé rồi kéo đến nhà Hương Lý yêu cầu nộp hết sổ sách, giấy tờ đồng triện cho cách mạng.

Sau khởi nghĩa, chính quyền Phong kiến tay sai của bọn phát xít Nhật bị tuyên bố xóa bỏ, thay vào đó là Ủy ban dân tộc giải phóng xã. Sau đó chính quyền cách mạng có chủ trương sáp nhập các xã, thôn thành xã lớn, thì Điền Hòa được đặc trong xã mới có tên là xã Phong Phú, với ủy ban nhân dân cách mạng do các vị sau đây tham gia: Cao Hữa Đính làm chủ tịch, Nguyễn Đăng Phiên làm phó chủ tịch, Cao Hữu Thưởng làm ủy viên thư ký, Trần Đình Viện làm ủy viên tài chính, Hồ Tạ làm ủy viên Quân sự, Nguyễn Lâm Cưu làm ủy viên Văn - xã.

Không khí những ngày khởi nghĩa thật hào hung sôi động. Những ngày đầu sau khởi nghĩa, khi chính quyền về tay nhân dân Điền Hòa, không khí trong làng xã càng tưng bừng phấn khởi. Rồi sau đó là những ngày niềm vui tràng đầy trong lòng dân Điền Hòa khi biết rằng ngày 02/ 9 / 1945, tại quảng trường Ba Đình Hà Nội đã cử hành lễ tuyên bố độc lập, Hồ Chủ Tịch đã trịnh trọng tuyên bố trước Quốc dân và trước thế giới về việc khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thì nhân Điền Hòa càng thấy rỏ từ đây đã diễn ra một cuộc đổi đời thật sự của cả dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Điên Hòa nói riêng. Với sự kiện ngày 2-9-1945, lịch sử toàn dân tộc và lịch sử của nhân dân Điền Hòa bước hẳn sang một trang mới đầy chông gai, gian khổ và hy sinh nhưng cũng đầy hào hung, vẻ vang.

CHƯƠNG III.

NHÂN DÂN ĐIỀN HÒA KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC ( 1945-1954)

I. Điền Hòa đấu tranh để xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng và chuẩn bị kháng chiến  

1. Xây dựng chính quyền cách mạng:

Cách mạng tháng Tám thành công (1945), nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, nhưng nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã vượ qua mọi thử thách trong buổi đầu gian khó. Ở Thừa Thiên Huế, sau khi Ủy ban hành chính tỉnh được thàng lập, ủy ban hành chính và các cơ quan chuyên môn của các huyện, thành phố và cấp xã được ra đời.Tháng 9 năm 1945 xã Phong Phú ( Điền Hòa ngày nay) được thành lập với số dân khoảng 3.500 dân, diện tích khoảng 2.000ha trong đó diện tích rừng khoảng 800ha.

       Địa giới:           + Đông Bắc giáp biển đông.

                               + Đông Nam giáp Quảng Ngạn và Phá Tam Giang.

                               + Tây Nam giáp Phá Tam Giang, sông Ô Lâu.

                               + Tây Bắc giáp xã Phong Thạnh. 

             Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, ủy ban Việt Minh Lâm thời được thành lập do ông Nguyễn Tư Chương làm chủ tịch, ủy viên quân sự Văn Công Chỉnh; ủy viên tài chính Nguyễn Đăng Lợi……trụ sở Ủy ban đóng tại đình làng Thế Chí Tây. Trong thời điểm này xã Điền Hòa gặp muôn vàn khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của  Đảng bộ Thừa Thiên Huế và Huyện ủy Phong Điền, nhân dân Điền Hòa đã phấn khởi nổ lực xây dựng chính quyền mới của xã với ý thức làm chủ cao. Chính quyền xã mới được thành lập, mặc dù chưa có kinh nghiệm quản lý, nhưng với trách nhiệm cao đã hết lòng phục vụ nhân dân, không quản ngại khó khăn gian khổ không nề hà khi “ ăn cơm nhà làm việc nước”. Các đồng chí lãnh đạo không kể ngày đêm, luôn sát cánh cùng với nhân để ổn định kinh tế, phát triển văn hóa giáo dục của xã nhà.

2. Ổn định kinh tế, chống giặc đói:

           Cùng với biện pháp chống giặc đói, các chính sách dân chủ, nhân dân xã Điền Hòa phấn khởi thực hiện sắc lệnh 4-9-1945 của chính phủ về việc xây dựng “ Quỹ độc lập”, tổ chức “ Tuần lễ vàng”, “ tuần lễ đồng” nhằm góp phần khắc phục những khó khăn về tài chính của đất nước, quê hương. Nhân dân ở đây nghèo, nhưng với long yêu nước nồng nàn, tinh thần xây dựng tổ quốc đã sẳn sang hiến của cải riêng cho quốc gia. Có những mẹ, những chị, những ông đã ủng hộ những kỷ vật thiêng liêng của mình như bà Nguyễn Thị Em, ông Nguyễn Đăng Chắc…..

3. Diệt giặc dốt xây dựng đời sống văn hóa mới:

           Chính sách ngu dân của thực dân Pháp và phát xít Nhật để lại hậu quả 90% dân Điền Hòa bị mù chữ. Thực hiện lời kêu gọi “ Chống thất học” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền xã Điền Hòa thành lập ban bình dân học vụ do đồng chí Đặng Văn Sắc làm trưởng ban, đồng chí Nguyễn Văn Thanh làm phó ban và thư kí là Đồng chí Trĩ. Thành lập truyền bá chữ quốc ngữ do ông Nguyễn Văn Chương làm Hội trưởng, Nguyễn Văn Hối, Nguyễn Văn Giảng tham gia.  Làng Thế Chí Tây đã tổ chức 16 lớp bình dân học vụ, các lớp học vào các buổi tối từ 7 giờ tới 9 giờ. Giáo viên là người địa phương biết đọc thông, viết thạo và được trưởng ban bình dân học vụ kiểm tra xem xét có trình độ day hay không, người dạy tự nguyện chứ không nhận thù lao, phong trào nay được duy trì có tổ chức và người dạy rất nhiệt tình nên cuối năm 1946 đại đa số dân địa phương thoát cảnh mù chữ.

4. Chuẩn bị kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược trở lại:

          Ngày 23-9-1945 thực dân Pháp đánh chiếm Sài gòn, cuộc kháng chiến nhân dân ta ở Nam bộ bùng nổ, hưởng ứng lợi kêu gọi của Hồ Chủ tịch về ủng hội sức người, sức của cho đồng bào Nam bộ kháng chiến, chính quyền và các tổ chức mặt trận của xã kêu gọi bà con tiết kiệm, phát động phong trào vì Nam bộ kháng chiến, động viên Thanh niên đi bộ đội. Cuối tháng 9 năm 1945 ở xã có nhiều đồng chí như: Đăng Văn Tuấn và Văn Công Đại tình nguyện lên đường nhập ngũ, được bổ sung vào chi đội giải phóng quân Trần Cao Vân ( sau đổi thành giải phóng quân Thuận Hóa) năm 1946 có 7 đồng chí gia nhập quân giải phóng thời kỳ nay đó là các đồng chí: Nguyễn Đăng Vịnh, Đặng Văn Đại, Nguyễn Đăng Đăng, Nguyễn Đăng Thuyên, Đặng Văn Xuyên, Đặng Văn Ngăn, Trương Diêu.

        Năm 1946 ở Điền Hòa phong trào chuẩn bị kháng chiến được phát triển mạnh mẽ, nhân dân đem hết tinh thần, lực lượng bảo vệ chính quyền. Nhưng trước mắt nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi xây dựng tổ chức Đảng, cũng cố chính quyền và tổ chức các đoàn thể để phát động phong trào quần chúng đáp ứng yêu cầu mới của đất nước và địa phương, các phong trào của nhân dân Điền Hoà tham gia trong kháng chiến như: Thanh Hương, Thanh Lam Bồ.

CHƯƠNG IV

ĐIỀN HÒA KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC ( 1954-1975)

            Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam theo hiệp đinh Giơnevơ, hòa bình lập lại tại Việt Nam và Đông Dương khi đó Việt Nam tạm thời bị chia cắt 2 miền Nam-Bắc, láy vĩ tuyến 17 làm căn cứ địa, sau 2 năm hiệp thương thống nhất nước nhà. Nhưng sau khi hiệp định vừa được ký đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược Miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Tại Điền Hòa chúng dựng lên hệ thống đồn bốt dọc QL 49b để kìm kẹp nhân dân. Tại đây có đồn Thế Chí Tây và Điền Hòa nằm ở thế giữa bị bao vây chia cắt bới hệ thống đồn bốt, đầm phá và biển. Tuy nhiên vẫn có những chổ đứng để cách mạng bám trụ đó là 2 thôn Thế Mỹ A và B với những đồi cát rộng lớn. từ vị trí đó nhân dân Điền Hòa một mặt bị đích khống chế một mặt bị kiểm soát chặc chẽ nhưng vẫn lợi dụng địa hình để bám trụ, đánh bại các âm mưu của địch trên quê hương góp phần vào chiến thắng của dân tộc.

Sau thất bại trạn Mậu Thân. Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược, từ chiến tranh cục bộ sang “ phi mỹ hóa” rồi “ Việt Nam Hóa” chiến tranh. Từ giữa 1968 chúng tập trung lực lượng phản kích liên vùng giáp ranh và rừng núi nhằm tiêu diệt và đẩy chủ lực của ta xa dân hơn nữa, phá hậu phương kho tang, chặn đường vận chuyển của ta, ra sức bình định đồng bằng và đô thị. Lúc này Điền Hòa là vùng “ bình định cấp tốc”   tháng 8-1968 địch huy động thủy quân, không quân và lục quân mở rộng cuộc càn lớn vào Điền Hòa, Dân quân chống và rút về Tần Hội.

         Năm 1969 nhiều cán bộ xã phải rút ra các hầm bí mật ở thôn Thế Mỹ B, địch mở cuộc càn lớn vào thôn Thế Mỹ B, nhiều cán bộ được dân làng bao bọc nên đã thoát nạn, tuy vậy tình hình ở đây vẫn khó khăn, pháo địch từ bờ biển phục kích liên miên. Trước sự khủng bố khốc liệt, càn quét liên miên của địch, sau năm 1968 quần chúng bị phân hóa, một số chiêu hồi, một số trở lại làm ăn bình thường để sinh sống. cuối năm 1969 địch lại càn dữ dội và bắt một số người đưa về Ty chiều hồi ở Huế, sau 6 tháng giam giữ các người bị bắt được thả về. Sau trận càn quét ấy một số cán bộ chủ chốt không còn, cách mạng Điền Hòa lâm vào tình trạng đen tối gặp nhiều khó khăn. Tháng 9-1969 phong Điền thành lập đội công tác của huyện, chỉ đạo 3 xã Phong Phú, Phong Thạnh, Phong Hòa do đồng chí Nguyễn phụ trách và sau đó đã hy sinh. Tháng 10-1969 đến 1970 các cán bộ chủ chốt của xã đã hy sinh, người thì bị bắt nên phong trào bị lắng xuống nên Điền Hòa trở thành vùng trắng bị địch khống chế và kiểm soát chặt chẽ.Năm 1973 địch mở 15.862 cuộc hành quân cảnh sát, thanh lọc 90 vạn người, có thể nói ở nông thôn đồng bằng vùng địch kiểm soát, lực lượng ta còn yếu hơn địch, phong trào đấu tranh chưa mạnh, chưa tạo được chuyển biến mới. Phong trào đấu tranh của Điền Hòa cũng nằm trong tình trạng chung đó, tình hình kéo dài cho đến 1975.

        Trong chiến dịch 1975, Điền Hòa nằm trong khu vực tiến công của chiến trường Trị Thiên Huế đó là giải phóng vùng Phong Quảng. Đây là địa bàn trọng điểm đánh bình định của địch để giành dân. Đến ngày 23-3-1975 địch bị thất bại nặng nề trên toàn bộ chiến trường. Được sự hỗ trợ to lớn của những đòn tấn công của chủ lực, quân dân Phong Điền tự giải phóng các quận lỵ và các xã. Nhân dân Điền Hòa nổi dậy phản kích cho đến ngày toàn thắng. Có thể nói trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm, nhân dân Điền Hòa đã đóng góp một cách tích cực trên mọi lĩnh vực góp phần cùng cả nước đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai làm nên sổ vàng truyền thống của xã.

CHƯƠNG V

ĐIỀN HÒA XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN SAU NGÀY GIẢI PHÓNG

           Ngày 23-3-1975, Điền Hòa được giải phóng, ước mơ được sống trong ước mơ đọc lập, hóa bình đã trở thành hiện thực. Từ đây nhân dân Điền Hòa đã làm chủ quê hương sau chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng với cả Tỉnh, cả nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Sau ngày giải phóng tình hình kinh tế- chính trị xã hội của xã gặp muôn vàng khó khăn. Hệ thống chính quyền xã được kiện toàn và củng cố. Đội ngũ cán bộ còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm quản lý và điều hành kinh tế - xã hội. Lực lượng đảng viên mỏng chưa đủ để thành lập chi bộ, phải sinh hoạt ghép với các xã khác. Đến tháng 4-1975 mới thành lập được chi bộ, và thành lập các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn.Chính quyền lúc bấy giờ đứng trước muôn vàng khó khăn, phức tạp. Là một địa bàn gần đầm phá, gần biển, những di hại của chủ nghĩa thực dân mới khá đậm nét, tất cả đòi hỏi sự tỉnh táo và sáng suốt của chính quyền mới. Bước sang năm 1979 Điền Hòa đứng trước những thách thức và khó khăn thử thách. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã giành thắng lợi hoàn toàn, nhưng các thế lực phản động khác đang cấu kết để phá hoại công cuộc xây dựng của đất nước ta. Vào tháng 2 năm 1979, nhân dân cả nước vừa sản xuất, vừa chiến đấu để bảo vệ đất nước trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế, văn hóa, xã hội an ninh, quốc phòng.

       Về kinh tế  thì vô cùng khó khăn, hàng trăm người tản cư trở về chưa có nhà ở, nhiều người thiếu ăn, thiếu việc làm. Bên cạnh đó đất đai canh tác ít ỏi, sản xuất lạc hậu, manh múng lẻ tẻ, mùa màng phụ thuộc vào thời tiết. Các ngành nghề truyền thống bị mai một trong chiến tranh chưa khôi phục lại được, đời sống kinh tế trong nhân dân còn thấp. Để ổn định đời sống của nhân dân, vấn đề nan giải trước mắt cần gải quyết là vấn đề lương thực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Phong Điền, Chi bộ Điền Hòa nhận thức sâu sắc rằng: Sản xuất nông nghiệp là khâu trọng tâm của xã trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế. Để làm tốt công tác sản xuất nông nghiệp, mở rộng điện tích canh tác, xã đã quan tâm công tác thủy lợi để phục vụ cho sản xuất, nên đời sống của nhân dân bước đầu dần dần được cải thiện, nhân dân tin tưởng vào cuộc sống mới, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, bộ máy chính quyền xã đã được hoàn thiện, đồng thời với việc xây dựng củng cố chính quyền. Xã đã bắt tay thực hiện chính sách mới của Đảng đối với nông nghiệp, đó là chế độ khoán sản phẩm được ban hành tháng 1 năm 1981. Để triển khai chỉ thị 100 có hiệu quả, ngày 10 tháng 10 năm 1981 xã tổ chức Đại hội đại biểu hợp tác xã khóa III. Đại hội đã vạch ra phương hướng cụ thể để thực hiện khoán 100 cho các xã viên. Nhờ bước đầu áp dụng chỉ thị 100 năng suất tăng lên hàng năm

       Về văn hóa, giáo dục, y tế: Nhận thức sâu sắc vấn đề này, lãnh đạo xã đã có nhiều cố gắng và bước đầu đã có những kết quả tốt thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất đời sống tinh thần cho nhân dân, hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng được tổ chức sâu rộng đến nhân dân, quan tâm đến việc xây dựng lớp học mới, mua sắm các trang thiết bị, chăm sóc đời sống của quý thầy cô giáo. Công tác an ninh quốc phòng, tiếp tục duy trì được ổn định.  Công tác thương binh xã hội của xã cũng có nhiều chuyển biến, các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng và bộ đội luôn được quan tâm.  Có thể nói 1981 - 1986 Điền Hòa đã phát huy tốt tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, xứng đáng  nhận phần thưởng cao quý “ Huy chương lao động hạng ba” do nhà nước trao tặng. Năm 1999 được vinh dự đón nhận “ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều bằng khen, giấy khen được Đảng, nhà nước trao tặng.Cho đến  ngày hôm nay, xã Điền Hoà đã thay màu áo mới trên tất cả các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận các đoàn thể, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh. Công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu và thường xuyên của Cấp uỷ Đảng; có vai trò quyết định để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội, đảm bảo  quốc phòng, an ninh, nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đến nay tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ đến nay có 95 đồng chí được chia thành 15 chi bộ trực thuộc Đảng bộ, trong đó: 08 chi bộ thôn nông nghiệp, 01 chi bộ vùng đầm phá, 02 chi bộ vùng biển, 03 chi bộ trường học và 01 chi bộ quân sự xã, ở cơ sở có 11 đồng chí bí thư chi bộ để lãnh chỉ đạo công tác phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh ở địa bàn các thôn.

           Công tác quản lý, điều hành của UBND xã đã phát huy và nâng cao hiệu quả công việc. Đội ngũ cán bộ, công chức đã từng bước nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bằng cách cử cán bộ đi học, bồi dưỡng đúng chuyên môn nghiệp vụ, nhằm hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ công việc được giao. Đến nay đội ngũ cán bộ gồm tổng số cán bộ, công chức gồm 24 đồng chí, về chất lượng trình độ chuyên môn nghiệp vụ gồm: Đại học 12 đồng chí, Cao đẳng: 01 đồng chí, trung cấp chuyên nghiệp: 10 đồng chí, trình độ lý luận chính trị gồm 07 đồng chí. Hàng năm UBND xã có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho các đồng chí cán bộ, công chức, nhằm nâng cao chất lượng, trình độ nghiệp vụ góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao, ở cơ sở gồm có 11 đồng chí thôn trưởng thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho chính quyền về công tác phát triển kinh tế - xã hội.

         Công tác tuyên truyền vận động của Mặt trận và các đoàn thể là nhiệm vụ không thể thiếu, đây là tổ chức  chính trị  xã hội là cầu nối giữa chính quyền địa phương đến cơ sở, để phản ánh, nắm bắt kịp thời  những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhằm góp phần xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh.Hàng năm thực hiện Nghị quyết của  Đảng bộ, UBND xã đã cụ thể hoá bằng chương trình hành động với những định hướng tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nhằm phát triển nền kinh tế đồng bộ, bền vững, theo định hướng “Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ”, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của  nhân dân, giữ vững an ninh chính trị,  trật tự an toàn xã hội. Kinh tế của xã nhà luôn luôn được tăng trưởng, giá trị sản xuất tăng là 25% (Trong đó nông nghiệp tăng 15%, lâm nghiệp tăng 2,5%, ngư nghiệp, NTTS tăng 7,5%) qua các năm. Năng suất lúa tăng hàng năm, sản lượng lương thực có hạt tăng 10% hàng năm, thu nhập bình quân đầu  người từ 25 – 27 triệu đồng/người/năm.

        Công tác văn hoá, giáo dục được cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đúng mức, đã huy động 100% học sinh trong độ tuổi đến trường, nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Đến nay xã được công nhận xã điểm văn hoá, có 11/11 thôn đạt chuẩn văn hoá, có 95,4 % hộ gia đình đạt chuẩn văn hoá, Trường trung học cơ sở, Trường tiểu học, Trường mầm non Điền Hoà đạt chuẩn quốc gia, các phong trào thể dục thể thao ngày được thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia như: hàng năm xã tổ chức Hội “ Đu tiên ” vào sáng ngày 02 tết âm lịch, Hội diễn văn nghệ vào tối ngày mồng 4 tết âm lịch, tổ chức hội mai xuân và các phong trào thể dục, thể thao khác diễn ra, nhằm thu hút đông đảo mọi người dân tham gia.

        Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu, đảm bảo 100% người dân đến khám và chữa bệnh. Hiện nay trạm đạt chuẩn quốc gia, các cơ sở vật chất được nâng cấp, thay thế, đảm bảo cho việc khám và chữa bệnh cho nhân dân. Nhằm hạ tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên xuống dưới 0,9%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên xuống dưới 15%, có 100% hộ gia đình dùng nước sạch, 100% hộ dùng điện sinh hoạt.

        Công tác chính sách xã hội là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng ủy, Chính quyền địa phương, hàng năm thực hiện tốt công tác chính sách xã hội, thường xuyên chăm lo về đời sống, vật chất và tinh thần đối với các gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ, gia đình có công cách mạng và các gia đình neo đơn gặp khó khăn bằng nhiều hình thức. Tiếp tục phát động phong trào ủng hộ quỹ vì người nghèo, thực hiện có hiệu quả xây dựng nhà tình thương cho các hộ nghèo, để ổn định đời sống. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1 – 1,5% hàng năm ( năm 2015 hộ nghèo còn 69 hộ , chiếm tỷ lệ 6,15%, hộ cận nghèo 108 hộ, chiếm tỷ lệ 9,71%, tỷ lệ nhân dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85%.

         Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng: Trong những năm qua bằng nổ lực quản lý, điều hành của địa phương đã tập trung công tác quy hoạh, đầu tư cơ sở hạ tầng đây là cơ sở để phát triển về kinh tế xã hội của một địa phương, phát huy tinh thần tự lực, tranh thủ các dự án để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Tổng nguồn vốn đến nay trên 200 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà nước chủ đạo, nhân dân đóng góp đầu tư, đến nay đã xây dựng cơ bản hoàn thành về  các công trình thuỷ lợi, giao thông nông thông, giao thông nội đồng, các thiết chế văn hoá như xây dựng nhà văn hoá cộng đồng các thôn, sân bóng đá, sân cầu lông, trung tâm học tập công đồng xã… và nhiều công trình khác nhằm phục vụ cho công tác phát triển kinh tế - xã hội của xã nhà, phục vụ cho nhân dân nâng, cao đời sống.

          Về công tác  xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông mới: Đến nay xã Điền Hòa rà soát, đánh giá các tiêu chí nông thôn mới cơ bản đã đạt chuẩn theo quy định. Phấn đấu đạt xã chuẩn nông thôn mới cuối năm 2015. Trên cơ sở các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng giao thông nội đồng, giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù, phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới được triển khai đến tận nhân dân, nhiều nhân dân đóng góp hàng trăm ngày công, đã hiến hàng ngàn m2 đất để làm đường, xây dựng các công trình công cộng, phục vụ cho dân sinh.

           Song song với công tác phát triển kinh tế công tác Quốc Phòng - an ninh trong thời gian qua của xã nhà luôn được giữ vững ổn định, công tác phòng ngừa và đấu tranh chống mọi âm mưu “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch thường xuyên theo dõi và cảnh giác, tập trung đấu tranh với mọi luận điệu xuyên tạc, tiêu cực; giải quyết dứt điểm các vụ việc xảy ra trên địa bàn, không ngừng  tuyên truyên và nâng cao nhận thức, cảnh giác, tố cáo tội phạm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chính vì thế trên địa bàn xã đã biên chế  có 11 công an viên, 11 thôn đội trường, 11 tổ hoà giải, đây là lực lượng nòng cốt bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền trong tình hình mới hiện nay.

          Cho đến ngày nay xã Điền Hoà đã từng ngày hoàn thiện mình để xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015 và vững bước đi lên xứng danh ngang tầm với các vùng, miền khác của đất nước, phấn đấu là xã Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

--------------------------------

 

    

 

 

 

 

VP. UBND xã
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 77.921
Truy cập hiện tại 66